Cô bé 18 tuổi thay mẹ chăm sóc 3 em nhỏ
Căn nhà 3 gian xây từ năm 2017 nhưng đến giờ vẫn còn dang dở, mảng tường vẫn ngổn ngang những gạch vữa, cửa sổ sau bao ngày dùng bao bì che tạm nay đã được lắp cánh. Nhưng đây vẫn thực sự là tổ ấm trong mơ thay cho ngôi nhà cấp 4 lụp xụp mà hễ mưa là dột lỗ chỗ trước đây của gia đình em Tống Thị Định. Thứ giá trị nhất trong nhà có lẽ là chiếc xe cub phát ra tiếng rè rè mỗi lần nổ máy.
Định là chị cả trong gia đình có 4 người con, bố em là ông Tống Quang Hợi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Ông đi làm thuê nên người ta gọi hôm nào đều cố phải đi bằng được. Mỗi lần như thế, ông được trả 200.000 đồng/ngày công. Mọi việc trong nhà do một tay Định cáng đáng, buổi sáng đi học, trưa về nấu cơm, chiều lại quay cuồng bài vở.
“Ngày mẹ mất em sốc lắm, dù đã chuẩn bị tinh thần mấy tháng từ ngày phát hiện bệnh của mẹ, rồi lại lo bản thân có chăm sóc được cho các em hay không. Cũng may, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo, giờ nhắc đến mẹ em không khóc nữa”. Định nói rồi quay ra xách từng xô nước tắm rửa cho hai em nhỏ ở giếng nước đầu làng, nơi mà cô bé đã được mẹ tắm cho từ hồi 5 tuổi. Lũ trẻ thích thú mỗi lần được chị Định đưa đi tắm, không quên thỏ thẻ: "Bao giờ thi xong chị cho chúng em ra đây nhiều hơn nhé”.
“Bố đưa em 20.000 đồng để mua đồ ăn cả ngày, hôm nào không có tiền thì…” - Định bỏ dở câu nói, cười ngượng với phóng viên Zing.vn - “Chị ở lại ăn cơm với chúng em nhé. Em sẽ đãi chị một món mà ở đây chị mới được ăn”.
Món mà Định “đãi” được nấu từ cá thầu dầu - loại cá nhỏ xíu bằng ngón tay, rán lên rồi cho lá sấu non vào, thứ lá chỉ cần bước ra ngoài cổng đưa tay lên hái được cả chùm mà không mất tiền. Cá mua hết 10.000 đồng, 5 người ăn được cả ngày.
Mấy đứa em của Định, bé Trang thì tất bật bổ củi từ mấy thanh gỗ còn sót lại sau lần nhà cũ dỡ đi, Trúc và Bống thi nhau nhặt quả lặc lè. Bữa ăn đơn giản gồm một đĩa rau luộc, một bát cá và ít muối vừng cũng khiến đám trẻ no căng bụng. Câu “con mời bố mẹ ăn cơm” chẳng đứa nào quên, dù bố không ăn ở nhà và mẹ không còn nữa.
Hai đứa nhỏ hào hứng kể cho các chị nghe câu chuyện ban sáng rồi cả nhà reo lên thích thú khi Bống gắp được con cá to. Tiếng cười giòn tan như được phơi giữa nắng hè.
Buổi tối, Định và Trang tranh thủ móc nắp ấm, công việc em làm nhuần nhuyễn từ năm lớp 8. Những sợi mây vừa dài vừa cứng phải dùng khá nhiều lực để ép chúng vào khuôn, đôi lúc làm trầy xước cả đôi bàn tay nhưng chẳng thể bỏ vì đây là nguồn kiếm thêm thu nhập duy nhất hiện giờ của hai chị em. Mỗi chiếc nắp ấm được trả công 8.000 đồng sau một tiếng miệt mài làm việc.
Cuộc sống không Internet, không học thêm
Tivi tưởng chừng là vật dụng cơ bản nhất của mỗi nhà nhưng với gia đình Định thì khác. Cơm ăn phải chạy từng bữa cùng khoản nợ khi xây nhà khiến tivi trở thành thứ xa xỉ. Vì thế, laptop hay Internet lại càng trở thành thứ gì đó xa lạ với em. Trong khi các bạn cùng trang lứa có chiếc smartphone tốt vào mạng nghe nhạc, xem phim hay tìm kiếm bài vở, Định được cho một chiếc điện thoại cũ để liên lạc.
“Đề văn nghị luận xã hội thường nói về những vấn đề nóng hổi hiện nay, không được tiếp xúc với thông tin hàng ngày, em làm cách nào để biết?”, tôi hỏi.
“Hàng ngày, thầy cô có dạy chúng em, rồi em nghe các bạn kể lại nữa, chắc là ổn thôi chị nhỉ?”, cô bé hồn nhiên tiếp chuyện.
Những ngày gần kỳ thi, Định miệt mài ôn tập cùng các bạn trên lớp, hết giờ em nán lại học thêm một chút. Cả quá trình ôn thi đại học, Định chỉ học ở trường và tự học: “Em được miễn học phí ở trường, môn nào còn yếu thì xin thầy cô cho ngồi nhờ lớp, cũng chưa từng được biết đến học thêm vì điều kiện gia đình không cho phép”.
Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, hễ rảnh là Định lại tranh thủ học. Em học một mình ở trường khi các bạn đã về hết. Em lên chùa ôn bài với bạn. Em ngồi học trong căn phòng chật chội thóc gạo với ánh sáng lờ nhờ.
Sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều lúc, Định đã nghĩ đến chuyện thôi học để nhường cơ hội cho các em. Nhưng sau đó, cô bé lại tự nhủ rằng mình đã cố gắng 12 năm, hãy cố gắng thêm chút nữa.
Định quyết định thi khối D với 3 môn Văn, Toán, Anh vào cuối năm lớp 11, khá muộn so với các bạn cùng lớp. Nữ sinh có chút lo lắng khi xếp loại học lực của em luôn ở top cuối. Nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực, dần dần, học lực của Định được cải thiện rõ rệt, điểm thi thử đại học vượt lên top đầu của trường.
Ước mơ trở thành phiên dịch viên
Buổi tối trước ngày thi, Định tranh thủ xem lại bài rồi đi ngủ sớm. Giấc ngủ chập chờn, em trở mình liên tục. Nữ sĩ tử hồi hộp, lo lắng cho kỳ thi lớn đầu tiên trong cuộc đời. Một lát sau, những con số, những câu chữ theo em chìm vào giấc ngủ.
4h sáng 25/6, tiếng chuông báo thức vang lên, Định lật đật ngồi dậy, rửa mặt mũi rồi nấu cơm. Ông Hợi thắp nén hương lên ban thờ, cầu cho con một kỳ thi thuận lợi rồi tranh thủ kiểm tra lại chiếc xe máy cà tàng. Bữa cơm hôm nay sớm hơn thường lệ, lũ trẻ cũng lần lượt thức dậy không quên chúc: "Chị Định thi đỗ đại học nhé".
Sau trận mưa đêm qua, bầu trời trong lành hơn, không khí mát rượi, con đường đến điểm thi cách nhà gần 20 cây số bỗng trở nên ngắn hơn. Đây là lần đầu tiên ông Hợi chở con gái đi thi. "Tôi ít học, mẹ nó lại mất nên cũng chẳng quan tâm được việc học hành của các con, may là các cháu có ý thức tự học".
Đưa chiếc mũ bảo hiểm cho bố, Định không quên giục: "Bố cứ đi làm đi, con tự xoay xở được". Ông Hợi chần chừ một lúc rồi quay xe để con gái yên tâm vào phòng thi. Được một đoạn, ông quay lại ngồi quán nước ven đường chờ hết giờ.
Định tranh thủ xem lại đồ dùng cá nhân, gồm bút, thẻ dự thi, đồng hồ... Sáng 25/6, em thi môn Văn với thời gian 120 phút. Cô bé khá thoải mái trước khi làm bài thi bởi đây là môn em tự tin nhất. Định dự tính nộp đơn vào Đại học Ngoại ngữ, muốn trở thành phiên dịch viên, vì em thích học tiếng Anh và muốn được đi nhiều nơi, tìm hiểu văn hóa của các nước trên thế giới.
Tiếng trống báo hiệu giờ thi môn Văn kết thúc, nữ sinh ra khỏi phòng thi, bất ngờ gặp bố đang đứng đợi từ bao giờ. Cô bé tíu tít khoe thành tích với bố. Người đàn ông quanh năm chỉ làm bạn với cái cuốc, cái xẻng, chẳng nhớ nổi kiến thức phổ thông nhưng thấy con gái vui vẻ cũng không giấu nổi sự xúc động.
Cuộc sống khiến Định phải trưởng thành sớm, thay cha mẹ chăm sóc, dạy bảo các em, nhưng suốt thời gian tiếp xúc với Định thấy em lúc nào cũng rạng rỡ, chẳng chút kêu ca. Nữ sinh không ngại ngùng khi thừa nhận: "Em là con nhà nghèo".
Đó là một cô gái bé nhỏ phồng miệng thổi lửa nấu cơm, là cô gái gầy còm xách cả chục xô nước tắm cho các em, là cô gái rịn mồ hôi ngồi học bài giữa căn phòng nóng nực... giống như câu nói mà em tâm đắc ghi lại trước bàn học: "Bởi đằng sau không có ai chống lưng nên nhất định không được gục ngã".
Nguồn: Zing.vn
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.